Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Vùng Đất Bạc Liêu

Vùng Đất Bạc Liêu


Bạc Liêu là một tỉnh thuộc duyên hải vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm trên bán đảo Cà Mau, miền đất cực Nam của Việt Nam. Tỉnh Bạc Liêu được thành lập ngày 20 tháng 12 năm 1899 và chính thức hoạt động từ ngày 1 tháng 1 năm 1900. Ngày 22 tháng 10 năm 1956, tỉnh Bạc Liêu bị giải thể nhập vào tỉnh Ba Xuyên. Ngày 8 tháng 9 năm 1964, tỉnh Bạc Liêu được tái lập trở lại. Tháng 2 năm 1976, tỉnh Bạc Liêu lại bị giải thể, nhập vào tỉnh Minh Hải. Ngày 06 tháng 11 năm 1996, tỉnh Bạc Liêu được tái lập thêm lần nữa, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1 tháng 1 năm 1997 cho đến ngày nay.



Bạc Liêu có nhiều dân tộc khác nhau sinh sống như người Hoa, người Việt, người Khmer, người Chăm... Người Bạc Liêu có phong cách phóng khoáng, đặc trưng của vùng Nam Bộ. Bạc Liêu có Công tử Bạc Liêu lừng danh một thuở giàu có và chịu chơi, ngoài ra vùng đất này còn gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bài Dạ cổ hoài lang đặt nền móng cho sự phát triển của nền cổ nhạc Nam Bộ. Bạc Liêu được nhiều người biết đến bởi nghề làm muối, muối Bạc Liêu xưa nay vốn nổi tiếng về chất lượng do không có vị đắng, chát và ít lẫn tạp chất. Thời Pháp, Mỹ, hoạt động kinh doanh muối Bạc Liêu rất rộng lớn, chiếm cứ toàn vùng Nam Bộ, ra tới tận Phan Thiết miền Trung và đặc biệt giao lưu xuất khẩu theo đường sông Mêkông qua Campuchia, hiện nay nghề làm muối tuy không còn thịnh như trước nhưng Bạc Liêu vẫn là vùng sản xuất muối lớn nhất miền Tây.



Bạc Liêu từng là vùng đất có một vị trí quan trọng trong chiến lược khai thác và xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long của người Pháp, được người Pháp lên kế hoạch xây dựng thành trung tâm hành chính của miền Tây, đồng thời đầu tư nhiều tiền của xây cất dinh thự và công sở tại đây. Bạc Liêu cũng nổi tiếng là vùng đất có nhiều người Hoa sinh sống qua câu ca dao:
Bạc Liêu là xứ cơ cầu,
Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu
Địa lý tự nhiên Bạc Liêu

Bạc Liêu có địa hình khá bằng phẳng, không có đồi, núi chính vì lẽ đó cũng không có các chấn động địa chất lớn. Địa hình chủ yến là đồng bằng, sông rạch và kênh đào chằng chịt. Bạc Liêu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết chia thành hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa khô hay còn gọi là mùa nắng thường bắt đầu từ tháng 10, tháng 11 năm trước đến tháng 4, tháng 5 năm sau. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4, tháng 5 đến tháng 10, tháng 11. Nhiệt độ trung bình năm 28,50C, nhiệt độ thấp nhất trong năm là 180C, nhiệt độ cao nhất trong năm là 360C. Bạc Liêu thuộc hệ sinh thái rừng ngập mặn các rừng chủ yến như rừng tràm, chà là, giá, cóc, lâm vồ,... Bên dưới là thảm thực vật gồm cỏ và các loài dây leo. Rừng Bạc Liêu có 104 loài thực vật, 10 loài thú nhỏ, 8 loài bò sát,...


 Bạc Liêu có bờ biển dài 56 km. Biển Bạc Liêu có nhiều loài tôm, cá, ốc, sò huyết,... Hàng năm, sản lượng khai thác đạt gần 100 nghìn tấn cá, tôm. Trong đó, sản lượng tôm gần 10 nghìn tấn. Hệ thống sông ngòi tại Bạc Liêu chia làm hai nhóm. Nhóm 1 chảy ra hải lưu phía nam, nhóm 2 chảy ra sông Ba Thắc. Bờ biển thấp và phẳng rất thích hợp để phát triển nghề làm muối, trồng trọt hoặc nuôi tôm, cá. Hàng năm, sự bồi lấn biển ở Bạc Liêu ngày một tăng. Đây là điều kiện lý tưởng cho Bạc Liêu phát triển thêm quỹ đất, đồng thời là yếu tố quan trọng đưa kinh tế biển của Bạc Liêu phát triển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét