Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

Hôi An phát triển nhưng không xô bồ, ồn ào...

Hôi An phát triển nhưng không xô bồ, ồn ào...


Khách du lịch đến Hội An ngày càng đông, nhưng không vì thế nơi đây trở nên xô bồ, ồn ào. Đầu năm 2013, bạn đọc tạp chí du lịch Wanderlust (Anh) đã bầu chọn Hội An là thành phố du lịch hấp dẫn nhất thế giới, với mức hài lòng lên đến 97,18%.


Nhờ du lịch Những năm trước, một số trang web và tạp chí du lịch khác cũng xếp Hội An vào hàng những đô thị du lịch hấp dẫn nhất châu Á. Đây chính là sự ghi nhận những cố gắng của người dân và chính quyền trong việc đưa Phố Cổ trở thành một nơi phát triển du lịch bền vững.

Phố Hội buổi sáng thật bình yên, 8 giờ sáng, con đường Trần Phú vẫn vắng hoe. Đến 9 giờ, các cửa hàng mới lục đục chuẩn bị mở hàng, nhưng phải gần đến 10 giờ mới bắt đầu có khách. Những căn nhà mặt tiền trong Phố giờ hầu hết đều trở thành cơ sở kinh doanh. Có thể thấy du lịch phát triển đã làm thay đổi bộ mặt của Phố Hội.


Đời sống người dân cũng tốt hơn lên nhờ du lịch. Không chỉ những người có mặt bằng kinh doanh mới khấm khá nhờ du lịch. Người bán hàng rong, buôn bán vỉa hè, nhà nông, người chạy xe ôm (người Quảng gọi là “xe thồ”), nếu chịu khó, đều có thể kiếm được tiền từ ngành công nghiệp không khói.

Trong những năm qua lượng du khách đến Hội An đã tăng nhanh. Theo Phòng Thương mại - Du lịch Hội An, năm 1999 chỉ có 160.000 lượt khách thì đến năm 2012 đã lên tới 1,4 triệu lượt. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thương mại - du lịch năm 2012 đã đạt 1.780,72 tỉ đồng, tăng 13,92% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 66,9% GDP thành phố.


Nếu tính du lịch không thôi thì lĩnh vực này đã đóng góp 579,79 tỉ đồng vào GDP, tăng 16,32% so với cùng kỳ năm trước. Các con số thật ra không nói lên đầy đủ sự đóng góp của lĩnh vực này. Không có du lịch thì thương mại và những ngành nghề liên quan ở Hội An sẽ không thể phát triển.

Muốn xanh, sạch


Chính quyền Hội An cũng đang phấn đấu xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch. Và bảo vệ môi trường là một chiến lược quan trọng nhằm xây dựng thành phố sinh thái.
Hội An đã thực hiện các chương trình như không sử dụng túi ni lông (ở Cù lao Chàm), chiến dịch 3R – giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng (ở phường Minh An). Thành phố này còn cấm xe hơi, xe gắn máy chạy trên một số con đường trong một ngày, giờ.

Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An, cho biết Hội An đang phấn đấu trở thành “Phố chỉ dành cho người đi bộ”.

Tại Cù Lao Chàm, trước khi phát động chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi ni lông”, người dân đã đổ bừa bãi rác thải sinh hoạt xuống biển. Và rác từ hoạt động du lịch, khai thác thủy sản; rác từ đất liền với nhiều loại túi ni lông cũng theo sóng tấp vào bãi biển, kè đá làm mất cảnh quan, ô nhiễm môi trường.

Hồi giữa năm 2009, chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi ni lông” đã được phát động và có đến hơn 90% người dân ở đây hưởng ứng chiến dịch này, theo điều tra của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

Các bờ biển của Hội An cũng đã được bảo vệ, đất không bị dành hết cho khách sạn, resort như một số bờ biển khác ở Việt Nam. Trên tổng chiều dài 7 cây số bờ biển chỉ có 9 resort.

Vì “chính quyền thành phố vẫn giữ lại các bãi biển công cộng nên người dân, du khách vẫn có chỗ để bì bõm tắm, thoải mái vui chơi quanh năm”, ông Hoàng Duy, một nhà báo - chuyên gia Phố Cổ, cho biết.

Trong khi đó, tại Phan Thiết (Bình Thuận), biển hầu hết đã bị chia lô, phân mảnh để xây khách sạn, resort, sân golf... Ở mỗi lô, chủ đầu tư chiếm một vùng biển riêng.

Du khách vào những nơi này như vào một thế giới biệt lập, thậm chí khách không được bơi qua phần biển của... khách sạn bên cạnh. Người địa phương, khách du lịch không được hưởng lợi từ biển nếu như không có nhiều tiền, kể cả việc đơn giản nhất là ngắm cảnh và tắm biển.

Những nỗ lực của chính quyền và người dân Hội An đã đem lại kết quả: thành phố trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với du khách. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cũng tạo ra nhiều thách thức.

Thách thức lớn nhất có lẽ “là giữ nếp sống, giữ sao cho người Phố Hội vẫn là người Phố Hội cho dù thành phố có phát triển đến thế nào đi chăng nữa”, như có lần ông Nguyễn Sự, Bí thư thành ủy Hội An, đã tâm sự cùng người viết bài này.

Thứ đến là vấn đề đất chật người đông. Mật độ dân số ở Hội An đã cao gấp 6 lần mật độ dân số trung bình cả nước. Dân cư tập trung chủ yếu trong khu phố cổ vì đây là nơi thuận tiện để làm ăn, sinh sống. Nhiều người sống chen chúc trong những căn nhà cổ đang khiến các di tích này xuống cấp nhanh hơn.

Một số khu vực tại Hội An cũng bị ô nhiễm. Điển hình là khu vực Chùa Cầu nổi tiếng. Các chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật vẫn còn đang khảo sát, nghiên cứu giúp Hội An xây dựng hệ thống xử lý nước thải ở nơi này



Đậm chất Phố


Để phát triển các sản phẩm du lịch, Hội An đang tận dụng các thế mạnh sẵn có của mình. Quan trọng nhất tất nhiên là khu Phố Cổ. Tuy nhiên, hiện nay du lịch đã dần phát triển ra ngoại ô.

Làng rau Trà Quế, chẳng hạn, đã vào chương trình du lịch “Một ngày làm nông dân trồng rau ở làng Trà Quế”. Ông Lee Stamm, một du khách Úc, nói: “Tôi tiếp cận được thông tin về tour này qua một tờ rơi quảng cáo du lịch. Thật ngạc nhiên vì nó mới và hay quá!”.

Tại làng Cẩm Thanh thì du khách sẽ cày ruộng, xay gạo làm bánh, nấu cơm. Họ có thể cưỡi cả thuyền thúng săn tìm cá cùng ngư dân, sau đó tự chế biến và thưởng thức sản phẩm mình câu, bắt được. Thậm chí Hội An còn muốn tận dụng cả nước lụt: tổ chức cho du khách đi bằng thuyền ở những đường phố bị ngập nước, tìm hiểu thêm đời sống người dân lúc lụt lội. Ông Lê Văn Giảng cho biết: “Mùa mưa lũ, trong khi nhiều nơi lo phòng chống hay khắc phục hậu quả thì ở Phố Cổ Hội An lại tính chuyện làm du lịch. Chúng tôi đang quyết tâm theo đuổi”.

NÉT CHẤM PHÁ CÀ PHÊ SÀI GÒN

NÉT CHẤM PHÁ CÀ PHÊ SÀI GÒN


Gần đây, những quán cà phê nàng hầu, cà phê cung hoàng đạo, cà phê sách, cà phê kịch... xuất hiện khá nhiều tại Sài Gòn.

Tôi cúi thấp người “chui” vào lối đi của hang động Totoro - nương theo phim hoạt hình cùng tên của Nhật Bản - ở tầng gác của quán The Other Person (đường Tôn Thất Đạm, Q.1), bước vào mô hình chiếc xe buýt mèo đã đưa những đứa trẻ trong phim bay lên không trung thần tiên. Một nàng hầu xuất hiện.

Nàng hầu và mật ngữ


Nàng hầu (maid) mặc áo đầm quấn tạp dề do quán tự thiết kế, đeo cặp tai thỏ trên tóc, cúi chào tôi, hỏi: “Cô chủ dùng gì?” rồi chìa ra quyển thực đơn món uống và thức ăn rất “teen”.

Lát sau cô bé bưng lên ly thức uống mùi vị bạc hà, rồi ngồi nói năng như một nhân vật nàng hầu của Pháp ngày trước.

Đó là mô hình Maid Cafe đang thịnh hành ở Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan... chừng chục năm nay và xuất hiện ở VN chừng hai năm trở lại, trong đó khách sẽ được các nàng hầu đối xử như với ông vua, bà hoàng.

Thấy sự ngạc nhiên nhuốm màu già cỗi của tôi, nàng hầu gọi thêm chủ quán - Phan Tiến Vỹ, 25 tuổi - kể cho tôi những điều lạ lùng của quán này. Trong khi xung quanh, bên trong chiếc xe buýt mèo và hang động Totoro, những nhóm học sinh, sinh viên, cả người nước ngoài nhiều độ tuổi, đang chuyện trò sôi nổi bên ly cà phê.

Quán lập ra từ tháng 3-2013, trên tầng 2 một chung cư xưa cũ giữa trung tâm Sài Gòn. Vỹ nói: “Vốn yêu thích truyện tranh (manga) của Nhật Bản nên tôi cùng một người bạn tự lên ý tưởng thiết kế quán, mô phỏng kiểu quán cà phê nàng hầu ở các nước. Tôi muốn khách đến đây có một khoảng thời gian trở thành người khác”.

Khách đến quán sẽ được các cô bé phục vụ gọi là “cô chủ, cậu chủ” từ ngoài cửa, nếu không bận chạy bàn họ sẽ ngồi trò chuyện chút ít với khách.

Cuối tháng, quán sẽ tổ chức sự kiện tích điểm cho những người mang cung hoàng đạo trong tháng đó đi xem phim với nàng hầu hoặc được tặng quà do quán tự làm. Không phức tạp như mô hình ở các nước, trong đó khách phải trả các khoản tiền vào cửa, tiền ngồi lâu... The Other Person chỉ thu tiền theo thực đơn 20.000-50.000 đồng/món và thời gian ngồi tùy ý khách.

Trong khi đó, không gian của cà phê Mật ngữ 12 chòm sao (Q.Gò Vấp) dựa trên tử vi phương Tây về các cung hoàng đạo lại có cách thiết kế và phục vụ không lẫn với bất kỳ quán nào. Các gian quán nơi tĩnh lặng, nơi trẻ trung hoặc huyền bí lại thu hút khách vượt xa sự mong đợi của chủ quán.

Mỗi ngày khách đến quán có thể lên đến 400-500 khách và nhiều người sẵn lòng đợi chờ để trải nghiệm cảm giác ngồi ở nơi thể hiện cung hoàng đạo vận mệnh của mình.

Ở đây có thức uống riêng cho 12 chòm sao, có những món đồ lưu niệm như búp bê, áo thun, sổ... in hình cung hoàng đạo. Và quan trọng hơn, theo chủ quán Nguyễn Khánh Hòa (24 tuổi), khách đến đây còn vì sự quan tâm đến tử vi của chính mình, điều mà nhịp sống hiện đại càng nhiều hoài nghi thì họ càng cần tin vào một điều gì đó.


Từ cà phê sách đến cà phê kịch



Sáng sớm, cà phê sách Chiêu (bờ kè kênh Nhiêu Lộc, Q.1) đã lác đác khách đến ngồi ở phía ngoài.
Trên những chiếc ghế gỗ hoặc sắt tạo màu rêu phong, khách nhiều thành phần tĩnh tại ngồi đọc báo, chuyện trò, lật giở bìa một cuốn sách cũ, hoặc chỉ đơn giản hướng mắt ra bờ kênh. Tôi cũng chọn một chỗ, ngồi nghe tiếng xe cộ ầm ì xa xôi, cảm thấy không gian lắng đọng.

Anh Tấn Hiếu, 37 tuổi, đến đây được vài lần, chia sẻ: “Cà phê trên đoạn đường này rất nhiều nhưng tôi thích không gian ở quán này nên sẽ ghé lại lâu dài. Ở đây tôi thấy đầu óc thư thái và có chỗ để nghĩ suy nhiều hơn, dù cuộc sống thường ngày rất bận rộn”.

Khởi đầu từ quán cà phê sách ở Q.Tân Bình với không gian ấm áp, trầm lắng như một thư viện nhỏ, sau hai năm kinh doanh, chị Chiêu Anh Nguyễn (37 tuổi) bàn giao lại cho người khác rồi mở quán ở bờ kênh Nhiêu Lộc này.

Cà phê sách của Chiêu dĩ nhiên cũng kinh doanh, nhưng chú trọng mang đến cho khách những điều riêng biệt. Khách của Chiêu có nhiều văn nghệ sĩ vốn là bạn bè của chị, nên ở đây còn tồn tại một không gian nghệ thuật mà các nghệ sĩ thường tìm kiếm để viết văn, sáng tác hoặc chiêm nghiệm.

Sách của Chiêu lúc khởi đầu chừng 1.000 đầu sách thể loại văn chương, khảo cứu... rồi dần dần được bạn bè tặng thêm.

Anh Nguyễn Trọng Việt, dân công sở, thường ra đây dùng cơm trưa một mình rồi tranh thủ đọc một đầu sách dang dở, nói rằng đôi khi tìm một chốn lặng lẽ ở Sài Gòn rất khó, có chất riêng như cà phê Chiêu càng khó hơn.

Dù cà phê sách đã khởi động cách đây vài năm, không kể những mô hình cà phê để bán sách, thì Chiêu và chừng dưới chục quán tương tự không kinh doanh sách nhưng lại “bán” cho khách nhiều điều hay ho.


Một sân khấu đơn sơ, khách ngồi sát phía dưới, những diễn viên kịch không chuyên diễn ngay trên bục những vở từ cổ trang, hài, tệ nạn xã hội, chuyện giới trẻ... tuy không là điều quá mới ở các quán cà phê kịch nhưng vẫn có sức hút đáng kể với thị dân Sài Gòn.

Tiên phong loại hình cà phê kịch có thể kể đến cà phê Bệt, Lít, Nhện... với những suất diễn cách nhật hoặc cuối tuần. Họ thường mời các nhóm kịch, trả thù lao trung bình 1 triệu đồng/đêm, thu phí xem kịch dựa trên giá nước chừng 80.000 đồng/ly.

Đội ngũ diễn kịch thường là các nhóm kịch của sinh viên các trường điện ảnh, lối diễn chưa quá sâu nhưng chân thật, nhập tâm.

Có những quán khách ngồi trên những bìa cactông, tạo sự gần gũi giản dị giữa người xem và người diễn, nhưng cũng có những quán cao cấp và thiết kế như một sân khấu kịch. Người đến uống cà phê ngoài những câu chuyện nói với nhau, còn cảm được thông điệp cuộc sống từ những vở kịch.

Mở và ngưng


Khó để kể hết những quán cà phê độc đáo ở Sài Gòn, và việc một quán vừa được giới thiệu rầm rộ không lâu sau đã tạm ngưng hoặc đóng cửa cũng thường xảy ra.

Loại hình cà phê kịch, với thời điểm cách đây 2-3 năm lên đến chừng 70 quán với nhiều nhóm kịch thành lập, thì con số này hiện nay rơi rụng dần. Để tồn tại, những quán này phải chiều khách hơn, trình diễn những vở kịch cho nhiều đối tượng, thành phần chứ không đi riêng một thể loại.

Anh Trần Ngọc Nguyên Khoa, chủ quán cà phê Ovi (Q.10), mở loại hình kịch cách đây hai năm và duy trì đến nay. Mỗi tháng, quán anh diễn kịch hai tối chủ nhật và mời chừng 2-3 nhóm kịch biểu diễn với khách hàng chủ yếu là trung niên.

Anh nói sự cạnh tranh, nhu cầu của khách... tuy thay đổi, khắc nghiệt nhưng loại hình cà phê kịch này sẽ tồn tại lâu dài nếu biết cách xoay chuyển thể loại, cách quảng bá.

Bá Hưng, trưởng nhóm kịch Up với chừng 10 thành viên, đi diễn đã được hai năm, chứng kiến quán cà phê kịch mở rồi ngưng cũng nhiều.

Hưng cho rằng chuyện lỗ lã là lý do chính khiến người ta ngán ngại kinh doanh cà phê kịch. Nếu quán chấp nhận bù lỗ ban đầu để thu hút khách sẽ trụ được, còn những quán nhỏ vốn ít thường kết thúc không lâu sau đó.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, chủ quán Chỗ Cũ (Q.Tân Bình), đã đóng cửa quán cách đây nửa năm vì lượng khách bữa đạt bữa không và giờ kịch diễn cũng thường kết thúc trễ nên khó thu xếp.

Vì vậy, chuyện phải đa dạng thể loại kịch để chiều lòng khách là chuyện cả nhóm kịch lẫn chủ quán phải chú trọng để tồn tại. Lịch diễn ở các quán thường linh động cuối tuần hoặc giữa tuần tùy nhu cầu khách và địa điểm của quán.

Còn với cà phê Mật ngữ 12 chòm sao hiện cũng tạm ngưng vài tháng và ông chủ cho biết đang tìm địa điểm rộng khoảng 500m2 ở Q.1 để đủ chỗ phục vụ khách, và tạo chuỗi cà phê mật ngữ vì chuyện tìm hiểu cung hoàng đạo đang là xu hướng của giới trẻ.

Cà phê Chiêu cũng cố gắng giữ chất riêng của mình nhưng câu chuyện kinh doanh đòi hỏi sự tính toán cân nhắc lợi nhuận, từng điều nhỏ như thể loại nhạc, không gian, phục vụ... để có lượng khách ổn định.

Vì vậy, nếu các mô hình cà phê chỉ chú trọng nét độc đáo mà không bền vững, chuyện sụp đổ là không tránh khỏi, nói chi đến chuyện làm giàu!

Nguồn: Tuổi trẻ

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Nhà Thờ Đức Bà- Di sản Pháp trên đất SÀI GÒN

Nhà Thờ Đức Bà- Di sản Pháp trên đất SÀI GÒN

Trải qua hơn 100 năm và qua 3 thế kỷ, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, tên chính thức là Vương cung Thánh đường Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội (Immaculate Conception Cathedral Basilica) vẫn đẹp lộng lẫy, tráng lệ và uy nghiêm; được coi là một tuyệt tác kiến trúc đô thị Sài Gòn. Đây là một công trình nhà thờ Công giáo nói riêng và tôn giáo nói chung rất đặc sắc, có quy mô thuộc loại lớn nhất ở Việt Nam. Cùng với một số công trình lân cận ở quận 1 như Nhà Bưu Điện trung tâm, Nhà hát thành phố, Bệnh viện Nhi Đồng 2…; Nhà thờ Đức Bà là một công trình tiêu biểu tạo nên bộ mặt kiến trúc đô thị Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.

Mặt trước nhà thờ Đức Bà

Một trong những công trình Nhà thờ Công giáo đầu tiên tại Sài Gòn.

Nhà thờ - một kiến trúc đi cùng một loại hình tôn giáo mới đã được các nhà truyền giáo du nhập vào nước ta từ thế kỷ 16. Tới thế kỷ 19, nhà thờ và đạo Thiên chúa phát triển mạnh mẽ theo chân các đoàn quân viễn chinh Pháp. Ngay sau khi người Pháp chiếm Sài Gòn - Gia Định lần thứ 2 (năm 1862), cùng với việc xây dựng đô thị, phát triển Sài Gòn thành thủ phủ của Nam Kỳ, chính quyền Pháp đã cho xây dựng nhà thờ để làm nơi hành lễ cho các tín đồ Công giáo. Nhà thờ đầu tiên được xây dựng ở đường số 5 (nay là đường Ngô Đức Kế), vốn là một ngôi chùa cũ của người Việt bị bỏ hoang do chiến tranh.

Năm 1863, đô đốc Bonard đã cho xây dựng một thánh đường mới lớn hơn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đạo Thiên chúa. Công trình được xây bằng gỗ và hoàn thành vào năm 1865; có tên là Nhà thờ Saigon. Do vật liệu công trình bằng gỗ nên quy mô cũng hạn chế và về sau bị mối mọt, hư hại, nên một dự án nhà thờ lớn đã hình thành.

Tháng 8 năm 1876, Thống đốc Nam kỳ Duperré đã tổ chức cuộc thi đồ án kiến trúc cho nhà thờ mới. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu hành lễ cho các tín đồ theo đạo, công trình này cũng nằm trong mục đích phô trương đạo Thiên Chúa và nền văn minh Phương Tây với dân bản địa. Ở góc độ quy hoạch đô thị, công trình vừa là điểm nhấn quan trọng trong không gian đô thị, vừa thể hiện sự đa dạng của kiến trúc – văn hóa đô thị. Kiến trúc sư J.Bourad đã dành chiến thắng khi vượt qua 17 đồ án tham gia khác. Phương án của ông mang phong cách kiến trúc Roman cải biên pha lẫn Gothic. Vị trí xây dựng ban đầu được đề xuất ở 3 nơi, cuối cùng được quyết định tại vị trí hiện nay; thuộc quảng trường Công xã Paris, trung tâm quận 1. Mặt chính nhà thờ quay hướng Đông Nam, về phía đường Nguyễn Du, lưng quay về phía đường Lê Duẩn hiện nay.

Nhà Thờ Đức Bà nhìn từ trên cao


Cũng chính kiến trúc sư J.Bourad lại trúng thầu trong việc xây dựng và ông đã trực tiếp tổ chức thi công và giám sát công trình. Ngày 7 tháng 10 năm 1877, Giám mục Isidore Colombert đặt viên đá đầu tiên trong lễ khởi công trước mặt Phó soái Nam Kỳ và nhiều nhân vật quan trọng của chính quyền thời đó. Sau 3 năm xây dựng, vào dịp lễ Phục sinh, ngày 11 tháng 4 năm 1880, lễ cung hiến và khánh thành công trình được cố đạo Colombert tổ chức trọng thể với sự có mặt của Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers.

Tất cả mọi chi phí xây dựng, trang trí nội thất công trình đều do Soái phủ Nam Kỳ đảm trách. Tổng số tiền thời đó là 2.500.000 franc Pháp. Và vì vậy, thời gian đầu công trình có tên là Nhà thờ Nhà nước, do nhà nước Pháp xây dựng và quản lý.


Bên ngoài nhà thờ được xây bằng gạch trần nhập từ Pháp



Những đổi thay cùng năm tháng.

Ban đầu, kiến trúc hai tháp chuông nhà thờ không như bây giờ. Hai tháp chuông này được xây dựng  bổ sung mái chóp năm 1895. Tháp chuông nằm phía mặt trước, đối xứng hai bên, sau khi hoàn thành có chiều cao 57,6m; chứa 6 quả chuông đồng lớn có tổng trọng lượng 28,85 tấn. Trên đỉnh mỗi tháp có thánh giá, chiều cao từ mặt đất tới đỉnh thánh giá là 60,5m. Hai tháp chuông tuy được hoàn thiện sau nhưng lại góp phần làm tăng giá trị kiến trúc của công trình, làm công trình trở nên hoàn mỹ.

Trước Nhà thờ là một vườn hoa ngăn cách với sảnh Nhà thờ bằng một lối giao thông trên quảng trường. Năm 1903, chính quyền Pháp cho xây dựng bức tượng đồng Pigneau de Béhaine (còn gọi là Giám mục Adran vì vị này làm Giám mục hiệu tòa Adran) dẫn hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long) để ca ngợi công lao của nước Pháp "bảo hộ", "khai hóa" cho Việt Nam. Tới năm 1945, bức tượng đồng này bị phá bỏ, nhưng phần bệ tượng hình trụ bằng đá hoa cương màu đỏ vẫn còn. Năm 1959, Linh mục GiPhạm Văn Thiên, cai quản Giáo xứ Sài Gòn bấy giờ, đi dự đại hội Thánh Mẫu ở Vatican, đã đặt tạc một tượng Đức Mẹ Hòa Bình bằng loại đá cẩm thạch quý hiếm. Tượng được gửi từ Roma - Ý về Sài Gòn - Việt Nam bằng đường thủy. Ngày 16 tháng 2 năm 1959, Linh mục GiPhạm Văn Thiên đã làm lễ dựng tượng trên bệ đài (vẫn còn để trống kể từ năm 1945) và dâng tước hiệu Nữ Vương Hòa Bình. Sau đó 1 ngày (17/2/1959), Hồng y Aganianian từ Roma tới Sài Gòn để chủ tọa lễ bế mạc Đại hội Thánh Mẫu, đã làm phép cho bức tượng. Và từ đó Nhà thờ có tên là Nhà thờ Đức Bà.

Năm 1960, Tòa thánh Vatican thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam với ba tòa Tổng Giám mục tại Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Thánh đường này được mang tên Nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn. Tới năm 1962, Nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn được phong Vương Cung Thánh Đường (Basilica). Đây là một danh hiệu tôn vinh đặc biệt của Giáo hoàng dành cho một số nhà thờ hoặc thánh địa xét theo tính chất cổ kính, tầm quan trọng trong lịch sử và ý nghĩa tâm linh đối với Giáo hội Công giáo Roma.

Rất nhiều cặp uyên ương chọn nơi này để chụp ảnh cưới lưu niệm


Tuyệt tác kiến trúc của đô thị Sài Gòn.

Cho tới nay, tròn 130 năm, trải qua nhiều biến động chính trị, lịch sử, Nhà thờ Đức Bà vẫn là công trình kiến trúc tuyệt tác của đô thị Sài Gòn. May mắn không bị phá hủy bởi chiến tranh như nhiều công trình khác, nhưng thời gian dường như cũng không thể làm tàn phai sự lộng lẫy của kiến trúc đặc sắc này. Là một công trình khá đặc biệt về quy hoạch - nằm giữa quảng trường, liền kề với không gian giao thông quảng trường, không hề có hàng rào và khuôn viên kế cận; nhà thờ là một điểm nhấn trong không gian đô thị; có góc nhìn đẹp từ mọi phía. Khi thi công, hầu hết những nguyên vật liệu xây dựng, trang trí đều được chuyển từ Pháp sang như gạch xây, ngói, sắt thép, xi măng, kính màu trang trí và các kết cấu, phụ kiện kim khí…

Móng của công trình được thiết kế đặc biệt, có thể chịu tải gấp 10 lần khối kiến trúc nhà thờ nằm bên trên. Một điểm đặc sắc nữa là bề mặt công trình được xây toàn bộ bằng gạch trần và đá xanh, không hề tô trát, với sự tính toán tỉ mỉ, chính xác cấu kiện, chuẩn mực tỷ lệ đến kinh ngạc. Những viên gạch và ngói lợp ban đầu được chuyển từ Marseille sang. Cho tới bây giờ, bề mặt công trình bằng gạch trần vẫn giữ nguyên màu gạch hồng tươi, không bị bám rêu mốc. Về sau do hư hại, một số cấu kiện như ngói lợp được thay thế bằng chủng loại sản xuất trong nước. Toàn bộ thánh đường có 56 ô cửa kính màu do hãng Lorin của tỉnh Chartres (Pháp) sản xuất.

Thánh đường có chiều dài 133m, tính từ cửa đến tường phòng đọc kinh phía sau, chiều rộng thánh đường là 35m. Hình thức công trình đối xứng, có chiều cao giảm dần về phía sau; với đỉnh cao nhất là tháp chuông ở phía trước, tới khối chính điện, hậu cung tròn của dàn đồng ca và các nhà nguyện, phòng đọc kinh sau cùng. Các chi tiết kiến trúc và chi tiết trang trí đều tuân theo thức Roman và Gothic – tôn nghiêm, trang nhã.

Nội thất thánh đường bao gồm chính điện (gian chính) ở giữa, và hai gian phụ hai bên, tiếp theo là dãy nhà nguyện. Chính điện có chiều cao 21m, ngăn cách với hai không gian phụ bằng hàng cột cuốn vòm kết hợp với trụ thép đỡ vòm mái. Không gian làm lễ và cầu nguyện này có thể chứa được 1200 người. Dãy nhà nguyện hai bên là nơi đặt những bàn thờ nhỏ, có những bệ thờ và tượng thánh bằng đá tinh xảo. Bàn thờ chính nơi Cung Thánh được làm bằng đá cẩm thạch nguyên khối có hình 6 vị thiên thần đỡ mặt bàn thờ. Bệ thờ được chia làm 3 khoang, cũng là những tác phẩm điêu khắc có nội dung điển tích đạo Thiên chúa. Trên tường có 56 ô cửa kính màu có nội dung mô tả các nhân vật, sự kiện trong Kinh Thánh, nhưng cũng xen kẽ rất nhiều họa tiết và hình tượng phương Đông. Đáng tiếc các ô cửa kính nay còn nguyên vẹn rất ít.

Kiến trúc của thánh đường đã tạo nên một hiệu ứng ánh sáng tuyệt vời trong nội thất, cho một cảm giác tĩnh lặng, thánh thiện và trang nghiêm. Ánh sáng huyền ảo cũng làm các chi tiết kiến trúc, nội thất bên trong thánh đường nổi bật và đẹp hơn.

Phía trên cửa chính là gác đàn - nơi chứa cây đàn organ ống, một trong những cây đàn cổ nhất Việt Nam. Đây là cây đàn được sản xuất thủ công hoàn toàn, phục vụ cho những nghi lễ của Nhà thờ. Nhưng hiện nay cây đàn đã bị hỏng hoàn toàn do bị mối ăn phần gỗ bàn phím điều khiển bằng tay.



Một số hình ảnh bên trong Nhà Thờ

Tháp chuông ban đầu của nhà thờ chỉ cao có 36,6m và không có mái. Sau khi phần tháp chuông được cải tạo và xây thêm mái chóp (năm 1895); có chiều cao là 57,6m - là tháp chuông nhà thờ cao nhất Việt Nam. Hai tháp chuông chứa 6 quả chuông lớn (6 âm): Tháp bên phải chứa 4 quả, là các âm sol, si, rê, mi; tháp bên trái chứa 2 quả, là các âm la, đô. Bộ chuông này được chế tạo ở Pháp và có những họa tiết rất tinh xảo. Chỉ vào đêm Giáng sinh, tất cả 6 quả chuông mới cùng vang lên, tiếng chuông ngân xa tới 10km…

Ở mặt trước công trình, giữa hai tháp chuông, dưới đỉnh mái có một đồng hồ. Nhìn trên mặt đứng công trình, mặt của chiếc đồng hồ này như một ô cửa sổ, nhưng bên trong nó là một bộ máy khá đồ sộ, nặng tới hơn 1 tấn. Chiếc đồng hồ này được sản xuất tại Thụy Sỹ năm 1887, và dù cũ kỹ và thô sơ, nó vẫn hoạt động khá chính xác.

Bức tượng Đức Mẹ Hòa Bình đặt ở trung tâm vườn hoa phía trước Nhà thờ do nhà điêu khắc G. Ciocchetti thực hiện năm 1959 tại Ý. Tượng Đức Mẹ có thế đứng thẳng, tay cầm trái địa cầu, trên trái địa cầu có đính cây thánh giá, đôi mắt Đức Mẹ đăm chiêu nhìn lên bầu trời như đang nguyện cầu…

Nhà thờ Đức Bà xứng đáng là một tuyệt tác kiến trúc, là một công trình tiêu biểu góp phần tạo nên diện mạo đô thị Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Công trình cũng ghi nhận sự du nhập, giao lưu và tiếp biến của văn hóa - kiến trúc Đông - Tây. Ở đó kiến trúc sư đã thành công trong một thể loại công trình thuộc nền văn hóa Phương Tây nhưng xây dựng ở phương Đông; với những kết cấu và vật liệu mới, nhưng lại phù hợp với các điều kiện xã hội và khí hậu của bản xứ. Không chỉ những du khách ở xa đến, mà chính những người dân Sài Gòn hàng ngày đi qua vẫn trầm trồ thán phục trước vẻ đẹp tráng lệ mà vẫn giản dị, uy nghiêm mà gần gũi. Trải qua bao năm tháng và biến động, công trình vẫn tồn tại giữa lòng Sài Gòn, như một dấu son đô thị.


Đặc sản Bến Tre- Nghe thôi cũng thèm

Bến Tre nằm giữa bốn bề sông nước, xen lẫn với các đồng ruộng xanh mướt mát và những vườn dừa xanh tươi. Đến xứ dừa, bạn đừng quên thưởng thức những món ăn dân dã đượm hồn quê nơi đây.


1. Tép rang dừa

Là món ăn có mặt thường ngày trong cuộc sống của người dân Bến Tre, tép rang dừa được chế biến rất đơn giản, dễ làm và đậm hồn quê.
Những con tép được đánh bắt dưới kênh, rạch còn tươi rói, đem rửa sạch rồi rang cùng nước cốt dừa, vừa ngậy, vừa thơm, ăn cùng cơm trắng, là món dân dã, hấp dẫn với du khách khi đến nơi đây.


2. Cơm dừa

Còn gì thú vị hơn khi bạn được ăn cơm đựng trong những quả dừa, hạt cơm dẻo và đượm hương dừa.
Để làm món ăn này, người ta vo gạo sạch vo lại bằng nước dừa tươi cho ngấm. Sau đó cho gạo vào trái dừa, đổ nước dừa tươi vào vừa đủ, đem nấu lên.
Cơm chín thơm nức mùi dừa, ngọt và bùi, ăn cùng với tôm rang mặn là món ăn vô cùng hấp dẫn ở Bến Tre.


3. Gỏi củ hũ dừa

Một món ăn bạn nhất định phải thử đó là món gỏi củ hũ dừa. Đây là món ăn "xa xỉ" bởi người ta phải chặt cả cây dừa để lấy phần củ hũ trắng nuốt phía trên.
Phần củ hũ dừa này được nạo mỏng, trộn cùng với tôm, thịt, rau răm, tai lợn, lạc rang và nước sốt chua ngọt. Đây là món ăn rất thanh đạm, hấp dẫn.


4. Thịt trâu, bò xào lá cách với nước cốt dừa

Đây là món ăn dân dã, khá quen thuộc với mọi người, nhưng gần gũi nhất là người dân làm nông nghiệp ở nông thôn.
Cách chế biến rất đơn giản: thịt trâu, thịt bò sau khi thái mỏng ướp gia vị như tỏi, hành, gừng, sả, ớt băm nhuyễn cho thấm rồi xào trên bếp cho chín mềm, sau đó cho nước cốt dừa, lác cách cắt sợi vào trộn đều. Món này ăn cùng cơm trắng hay bánh mì đều rất tuyệt.


5. Mắm chưng dừa

Mắm cá lóc đem chưng cùng dừa ngon hết sảy, là món ăn dân dã nhưng rất hấp dẫn thực khách.
Người ta cho mắm cùng các gia vị như tiêu, hành, tỏi, ớt, gừng, bột nêm rồi cho nước cốt dừa vào chưng cách thủy hay cho vào nồi cơm, ăn kèm với chuối chát, khế chua, rau sống hoặc ngọn rau lang, rau muống luộc, ngon hết sảy.


6. Cháo dừa

Cháo dừa trước đây là món ăn điểm tâm của người xứ dừa, được nhiều người ưa chuộng.
Gạo nấu cháo dừa thường phải dùng gạo dẻo, có nhiều nhựa thì cháo mới ngon. Món cháo này phải dùng nguội là ngon nhất và mới cảm nhận hết được cái béo ngậy thật sự của dừa.



Món này cách nấu rất đơn giản, chỉ cần nấu cho gạo nhừ ra thì cho nước cốt dừa vào đảo đều một lượt là xong. Ăn cháo dừa với cá bống dừa, bống trứng, tép, thịt ba rọi kho khô ngon đúng điệu.

Sự khác nhau giữa Sài Gòn và Hà Nội

Sự khác nhau giữa Sài Gòn và Hà Nội

Sự khác nhau giữa Sài Gòn và Hà Nội. Những điều lý thú khác biệt văn hóa 2 miền.


Hình thức
Ở Hà Nội, cho dù trong túi bạn không có tiền nhưng ra đường vẫn muốn “xe đẹp, điện thoại nhỏ, áo bỏ trong quần, đầu tóc bóng loáng”!
Đến Sài Gòn bạn sẽ thấy nhiều người đi xe 67 của bảo tàng, điện thoại đời đầu, áo phông cũ, nhưng nếu ai hỏi tiền sẽ trả lời: “Cần nhiêu?”.

Giao thông
Ở Hà Nội, nhiều xe máy lấn phần xe hơi, nhưng luôn phải quan sát phía sau nếu muốn dừng lại khi đèn đỏ!
Đến Sài Gòn, bạn có thể thấy người ta vượt đèn đỏ, nhưng không ai dám đi vào phần đường của xe hơi!

Gọi điện ngoài đường
Ở Hà Nội, bạn có thể đứng giữa ngã tư tấp nập người qua để nói chuyện điện thoại “cho cả thế giới biết bạn là ai”!
Đến Sài Gòn, bạn hãy dắt xe lên vỉa hè nói chuyện nếu không muốn chiếc điện thoại của bạn “cuốn theo chiều gió”!

Cơn mưa
Mưa Hà Nội giống như tính tình các cô gái Hà Nội, âm ỉ dai dẳng và làm cho bạn nhớ mãi!
Những cơn mưa Sài Gòn giống tính tình của các cô gái Sài Gòn, đỏng đảnh nhưng mau quên!

Con gái
Con gái Hà Nội, da trắng, nói năng nhỏ nhẹ, gọi người yêu là anh yêu. Khi bạn đã yêu thì khó bỏ!
Con gái Sài Gòn da rám nắng, nói năng ngọt ngào, gọi người yêu là ông xã. Khó tán nếu muốn yêu!
Hai cô gái cùng thích một món đồ
Con gái Hà Nội sẽ nói với bạn: “Tớ với ấy cùng mua nó nhé?”.
Con gái Sài Gòn thủ thỉ: “Ấy mua rồi à? Vậy tớ sẽ chọn thứ khác”.

Khách sạn
Ở Hà Nội, khi dừng xe trước cửa khách sạn, có thể bạn sẽ phải gọi rát cả cổ mà chưa thấy lễ tân đâu!
Đến Sài Gòn, xe vừa dừng, xuất hiện ngay người chạy tới mở cửa và giúp bạn bê đồ vào khách sạn!

Thái độ phục vụ
Ở Hà Nội, chắc hẳn bạn sẽ xúc động đến lăn đùng khi thấy người phục vụ nói lời cảm ơn!
Đến Sài Gòn, dần dần bạn sẽ thấy “bình thường thôi” khi cô lễ tân cúi gập người chào bạn!

Đi hát Karaoke
Đi hát ở Hà Nội chủ yếu hát vui là chính, hát sai tông cũng kệ. Hát xong quên luôn vừa hát bài gì!
Đến Sài Gòn nhớ hát hay là chính, vì thế phải gắng hát rất tình cảm. Nhỡ mà sai tông sẽ quê một cục!

Đi sắm đồ
Ở Hà Nội, sáng ra bạn vào cửa hàng quần áo chọn hàng mà không mua, bạn sẽ được nghe người bán hàng văng một tràng tiếng Đan Mạch và họ còn đốt vía sau khi bạn đi!
Đến Sài Gòn, không kể sáng trưa chiều tối, nắng mưa gió bão, bạn chọn thoải mái, nếu bạn không mua, người bán hàng nói: “Cám ơn anh. Lần sau lại ghé em nha”!

Ngôn ngữ
Ở Hà Nội, trước khi đi Sài Gòn, bạn chào họ hàng: “Cháu chào cô cháu đi!”.
Từ Sài Gòn, bạn về Hà Nội, bạn chào hàng xóm: “Con thưa dì con dzìa!”.

Quán cà phê
Ở Hà Nội bạn sẽ quen mắt với quán cà phê chen chúc, hai đôi tình nhân chung một bàn!
Đến Sài Gòn bạn sẽ lạ mắt khi thấy những hàng ghế xếp thẳng hàng như trên xe bus!



Gọi cà phê
Ở Hà Nội khi bạn gọi “cà phê nâu” sẽ được cà phê sữa. Đến Sài Gòn nếu gọi câu đó chủ quán sẽ mang cho cà phê đen!
Ở Hà Nội, nếu bạn gọi “bạch sửu” họ tưởng bạn là người Tàu! Nhưng đến Sài Gòn họ sẽ mang cho bạn ly cà phê sữa!

Sau khi gọi cà phê
Ở Hà Nội, bạn được một cốc cà phê có ít sữa và vài cục đá lạnh nhỏ. Nếu muốn có cốc nước lọc bạn phải gọi vài lần.
Đến Sài Gòn, bạn sẽ thấy cốc cà phê có sữa và đá lạnh đầy ú ụ. Cùng với đó là cốc trà đá to đùng và nước lọc đủ để tắm!

Uống cà phê
Ở Hà Nội thường có thói quen uống cà phê khi đi chơi vào buổi tối, hoặc trước khi… đi ngủ!
Đến Sài Gòn bạn sẽ thấy thiên hạ uống cà phê có nhiều đá vào buổi sáng, và uống trước khi đi làm!

Khi có người rủ bạn ăn sáng
Ở Hà Nội: Hoặc là bạn đủ tiền cho hai người, hoặc là chẳng cần đồng nào!
Đến Sài Gòn: Nếu bạn nhận lời đi ăn sáng cùng, ăn xong tiền ai nấy trả!

Ăn sáng
Có thể bạn quen với bát phở Hà Nội không thể thiếu mì chính và quẩy, được bưng ra trong khi ngón tay người phục vụ nhúng cả vào đó!
Đến Sài Gòn bạn đừng ngạc nhiên khi phở phải có rau, giá và tương, được bưng ra với cái tô được đặt trên chiếc đĩa!

Chùa chiền
Chùa chiền ở Hà Nội khi bước chân vào là thấy lòng nhẹ bẫng, hỉ nộ ái ố đã để lại ở phía ngoài cửa!
Đến Sài Gòn bạn sẽ không quen với không gian ồn ào, không tịnh, khách đến chủ yếu là tham quan!

Đèn đỏ
Ở Hà Nội: Đèn đỏ không được rẽ phải
Ở Sài gòn: Đèn đỏ có nơi còn được quẹo trái

Lơ đễnh đụng phải xe dừng đèn đỏ đằng trước
Hà Nội: chửi tan nát đối tượng
Sài Gòn: Nạn nhân chỉ quay lại xem thủ phạm là ai rồi… chờ đèn xanh tiếp

Con đường
Hà Nội: Đường, phố, ngõ, ngách
Sài Gòn: Đại lộ, đường, hẻm, hẻm

Trà đá
Ở Hà Nội, một cốc trà đá của mấy bà hàng nước giá năm trăm đồng
Ở Sài Gòn, cốc trà đá đó có thể pha làm bốn ly nhưng lại miễn phí

Ăn trưa
Cơm trưa Sài Gòn với tô canh khổ qua hai ngàn rưởi
Cơm trưa Hà Nội với bát nước rau dầm sấu không lấy tiền

Dao dĩa
Khi bạn nói: “Cho tôi thêm một cái dĩa” với người bồi bàn
Ở Hà Nội: Người ta sẽ mang cho bạn một cái nĩa
Ở Sài Gòn: Họ sẽ mang cho bạn một chiếc đĩa

Dạ vâng
Khi phụ huynh người yêu bạn có lời mời bạn đến nhà dùng bữa
Ở Hà Nội: Bạn nói: “Dạ, vâng!”
Ở Sài Gòn:! Đã “Dạ” thì khỏi cần “Vâng”

Tỏ tình
Khi bạn nói với một cô gái: “Thế em có yêu anh không?”
Con gái Hà Nội: “Nếu nói không thì sao?”
Con gái Sài Gòn: “Tại sao lại không nhỉ!”
HN: Yêu vẫn phải giữ
SG: Yêu là hết mình luôn

Giữ xe hàng quán
Hà Nội: trông hộ xe miễn phí
Sài Gòn: “Anh cho xin 2 ngàn”

Xôi
Hà Nội: Gói lá khoai hay lá sen, xôi đồ bằng chõ
Sài Gòn: Cho vào hộp, hay bịch nylon, cơm nếp nấu bằng nồi

Siêu thị
Hà Nội: Đắt đỏ, hàng hóa kô thiết thực
Sài Gòn: Thuận tiện, giá rẻ như chợ. Là nơi thư giãn mỗi cuối tuần cả gia đình

Nhà sách
Hà Nội : Nhân viên hách dịch
Sài Gòn : Vào đọc chùa thoải mái, nhất là các em bé, có thể ngồi tại chỗ đọc mà không sợ bị đuổi

Tào phớ
Hà Nội: Lát mỏng, em nhớ ngày xưa hay hớt bằng vỏ con trai!
Sài Gòn: Lát dày cục, có gừng trong nước đường chứ không phải là hoa nhài.

Chè
Hà Nội: Ăn trong cốc, bát nhỏ
Sài Gòn: Thường có nước dừa. Vội thì cắn 1 góc bịch chè và mút.

Cắt chanh
Hà Nội: Bổ ngang
Sài Gòn: Bổ dọc 2 bên, bỏ phần giữa

Cây xanh
Hà Nội: Nhớ phố hoa sữa Nguyễn Du, hàng sấu trên Trần Hưng Đạo
Sài Gòn: Me xanh đường Trần Văn Thủ, cây sao trên Ba tháng hai

Tán gái
Gái Hà Nội: dễ tán, khó bỏ
Gái Sài Gòn: dễ bỏ, khó tán

Cuối tuần
Hà Nội: cả gia đình quây quần nấu nướng ăn tươi
Sài Gòn: đi ăn tiệm

Chất chơi và chất chiến
Hà Nội: Xe đẹp, điện thoại nhỏ, áo bỏ trong quần nhưng hỏi tiền thì không có.
Sài Gòn: 5 số 67, TaK X đời đầu, áo phông quần sóc, hỏi tiền: Chú cần nhiêu???

Gọi người yêu
Người Hà Nội gọi người yêu là anh yêu, em yêu.
Người Sài Gòn gọi người yêu là ông xã, bà xã.

Xe
Hà Nội: hiếm gặp những xe đời cũ
Sài Gòn: những xe viện bảo tàng cho mượn vẫn lưu hành đầy trên đường phố

Vá xe
Sài Gòn: Vá xe lúc nửa đêm… em xin 5 ngàn thôi
Hà Nội: Muộn rồi em ơi, 50 nghìn anh vá cho.

Xe khách
Sài Gòn: Đi xe đò!!! 1 người 1 ghế ( số ghế đàng hoàng) không đón thêm nếu đã đầy.
Hà Nội: Anh ngối xích vào, cho người ta ngồi với!

Ra đường
Sài Gòn: Ra đường đầu tóc chỉnh tề
Hà Nội: Đội nón tai bèo tà rề rề dạo phố

Shopping
Hà Nội: Mới sáng sớm ngày ra mà đã mặc cả kinh thế, đi đi không để còn đốt vía nào!
Sài Gòn: Cám ơn anh. Lần sau lại ghé em nha.

Nói tức
Hà Nội: Đồ dở hơi
Sài Gòn: Quân mắc dịch

Hài
Hà Nội: Nặng về lời nói.
Sài Gòn: Nặng về cử chỉ.

Nói năng
Người Hà Nội: nói dài dòng nhưng khó hiểu!
Người Sài Gòn: nói ngắn gọn nhưng dễ hiểu!

Quán Internet
Hà Nội: ít nhưng rẻ!
Sài Gòn: nhiều mà mắc!

Nhà cửa
Hà Nội: rộng và sâu
Sài Gòn: nhỏ và ngắn

Chào hỏi
Hà Nội: bạn phải thưa bẩm rõ ràng băng lời nói!
Sài Gòn: bạn sử dụng cử chỉ: cúi người!

Về đồ ăn
Người Hà Nội hay ăn mặn
Người Sài Gòn hay ăn đồ ngọt

Ngồi quán
Hà Nội: Nhiều quán ngồi lâu (hơn 30ph) là bị đuổi!
Sài Gòn: Vào quán, muốn ngồi bao lâu thì tùy!

Giục người bán hàng gói nhanh lên
Sài Gòn: Vâng em làm ngay đây
Hà Nội: Làm gì mà cuống lên thế! Muốn nhanh sang hàng khác!

Phong cách sống
Người Hà Nội ra ngoài ban ngày, đêm về với u nó
Người Sài Gòn ban ngày ở với vợ, ban đêm ra ngoài nhậu với bạn.

Cái tẩy
Ở Hà Nội: nếu bạn gọi cái tẩy thì nó sẽ là cái tẩy
Ở Sài Gòn: nếu bạn gọi cái tẩy, họ sẽ mang đến cho bạn một ly nước đá.

Thuốc lá
Ở Hà Nội, rất dễ dàng gọi 1 bao VINA
Ở Sài Gòn, em chỉ có Mèo thôi anh Hai.

Cảm ơn
Ở Sài Gòn, bạn dửng dưng khi thấy cô receptionist cúi gập người chào bạn
Ở Hà Nội, bạn xúc động đến sững sờ khi thấy ai đó nói lời cảm ơn

Ăn mặc
Ở Sài Gòn, bạn có thể mặc quần short, dép lê đàng hoàng vào khách sạn Rex
Ở Hà Nội, bạn có thể thấy các bác xe ôm mặc đồ vest đứng chờ khách bên Bờ Hồ

Xe máy
Ở Sài Gòn, họ gọi chiếc xe gắn máy của bạn là xe hai bánh
Ở Hà Nội, họ coi chiếc xe máy của bạn là xe có động cơ

Ăn phở 
Tô hủ tíu mì Sài Gòn được bưng ra với tô được đặt trên chiếc đĩa
Bát phở gà Hà Nội được khuyến mại với ngón tay cái của con bé bưng bê

Giầy vớ 
Đàn ông Hà Nội có thể đi giày mà không cần mang vớ
Con gái Sài Gòn có thể đi vớ mà không cần mang giày

Chợ tình 
Chợ tình Sài gòn: Anh hai có xài em hông
Chợ tình Hà nội: Chơi gái không đại ca

Ca ve: 
Khi bạn vừa thanh toán xong tiền cho cave…
cave Hà Nội: “Cho em xin thêm 10 nghìn để còn đi xe ôm về?”
cave Sài Gòn: “Em bớt cho anh 10 ngàn, lần sau nhớ kiu em nha…”

Giàu có: 
Bạn được coi là giàu có khi…
ở Hà Nội: Bạn có rất nhiều tiền
ở Sài Gòn: Bạn tiêu rất nhiều tiền

Uống bia 
Hà nội: Bia hơi, lạc rang, 9 giờ phắn
Sài Gòn: Chai lạnh, đá to, nồi lẩu, nửa khuya về

Xôi
Hà Nội : Gói lá
Sài Gòn : Cho vào hộp, hay bịch nylon

Nước canh rau muống 
Hà Nội : Sấu, chanh
Sài Gòn : Me, chanh

Cơm sườn 
Hà Nội : những miếng sườn nhỏ nhỏ xào chua ngọt, ngon kinh hoàng
Sài Gòn : một tảng thịt nướng to đùng



Hồ 
Hà Nội : mênh mông là nước, đẹp và thơ mộng
Sài Gòn : như một cái ao bé cỏn con.

Thời trang
Hà Nội : không nhiều nhưng tinh tế
Sài Gòn : nhiều vô kể, giá rẻ , không đến nỗi nào nhưng không đặc sắc

Sinh viên và cave 
Hà nội: Nhiều em cave trông như sinh viên
Sài gòn: Nhiều em SV trông như cave