Hôi An phát triển nhưng không xô bồ, ồn ào...
Khách du lịch đến Hội An ngày càng đông, nhưng không vì thế nơi đây trở nên xô bồ, ồn ào. Đầu năm 2013, bạn đọc tạp chí du lịch Wanderlust (Anh) đã bầu chọn Hội An là thành phố du lịch hấp dẫn nhất thế giới, với mức hài lòng lên đến 97,18%.
Nhờ du lịch Những năm trước, một số trang web và tạp chí du lịch khác cũng xếp Hội An vào hàng những đô thị du lịch hấp dẫn nhất châu Á. Đây chính là sự ghi nhận những cố gắng của người dân và chính quyền trong việc đưa Phố Cổ trở thành một nơi phát triển du lịch bền vững.
Phố Hội buổi sáng thật bình yên, 8 giờ sáng, con đường Trần Phú vẫn vắng hoe. Đến 9 giờ, các cửa hàng mới lục đục chuẩn bị mở hàng, nhưng phải gần đến 10 giờ mới bắt đầu có khách. Những căn nhà mặt tiền trong Phố giờ hầu hết đều trở thành cơ sở kinh doanh. Có thể thấy du lịch phát triển đã làm thay đổi bộ mặt của Phố Hội.
Đời sống người dân cũng tốt hơn lên nhờ du lịch. Không chỉ những người có mặt bằng kinh doanh mới khấm khá nhờ du lịch. Người bán hàng rong, buôn bán vỉa hè, nhà nông, người chạy xe ôm (người Quảng gọi là “xe thồ”), nếu chịu khó, đều có thể kiếm được tiền từ ngành công nghiệp không khói.
Trong những năm qua lượng du khách đến Hội An đã tăng nhanh. Theo Phòng Thương mại - Du lịch Hội An, năm 1999 chỉ có 160.000 lượt khách thì đến năm 2012 đã lên tới 1,4 triệu lượt. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thương mại - du lịch năm 2012 đã đạt 1.780,72 tỉ đồng, tăng 13,92% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 66,9% GDP thành phố.
Nếu tính du lịch không thôi thì lĩnh vực này đã đóng góp 579,79 tỉ đồng vào GDP, tăng 16,32% so với cùng kỳ năm trước. Các con số thật ra không nói lên đầy đủ sự đóng góp của lĩnh vực này. Không có du lịch thì thương mại và những ngành nghề liên quan ở Hội An sẽ không thể phát triển.
Muốn xanh, sạch
Chính quyền Hội An cũng đang phấn đấu xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch. Và bảo vệ môi trường là một chiến lược quan trọng nhằm xây dựng thành phố sinh thái.
Hội An đã thực hiện các chương trình như không sử dụng túi ni lông (ở Cù lao Chàm), chiến dịch 3R – giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng (ở phường Minh An). Thành phố này còn cấm xe hơi, xe gắn máy chạy trên một số con đường trong một ngày, giờ.
Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An, cho biết Hội An đang phấn đấu trở thành “Phố chỉ dành cho người đi bộ”.
Tại Cù Lao Chàm, trước khi phát động chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi ni lông”, người dân đã đổ bừa bãi rác thải sinh hoạt xuống biển. Và rác từ hoạt động du lịch, khai thác thủy sản; rác từ đất liền với nhiều loại túi ni lông cũng theo sóng tấp vào bãi biển, kè đá làm mất cảnh quan, ô nhiễm môi trường.
Hồi giữa năm 2009, chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi ni lông” đã được phát động và có đến hơn 90% người dân ở đây hưởng ứng chiến dịch này, theo điều tra của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
Các bờ biển của Hội An cũng đã được bảo vệ, đất không bị dành hết cho khách sạn, resort như một số bờ biển khác ở Việt Nam. Trên tổng chiều dài 7 cây số bờ biển chỉ có 9 resort.
Vì “chính quyền thành phố vẫn giữ lại các bãi biển công cộng nên người dân, du khách vẫn có chỗ để bì bõm tắm, thoải mái vui chơi quanh năm”, ông Hoàng Duy, một nhà báo - chuyên gia Phố Cổ, cho biết.
Trong khi đó, tại Phan Thiết (Bình Thuận), biển hầu hết đã bị chia lô, phân mảnh để xây khách sạn, resort, sân golf... Ở mỗi lô, chủ đầu tư chiếm một vùng biển riêng.
Du khách vào những nơi này như vào một thế giới biệt lập, thậm chí khách không được bơi qua phần biển của... khách sạn bên cạnh. Người địa phương, khách du lịch không được hưởng lợi từ biển nếu như không có nhiều tiền, kể cả việc đơn giản nhất là ngắm cảnh và tắm biển.
Những nỗ lực của chính quyền và người dân Hội An đã đem lại kết quả: thành phố trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với du khách. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cũng tạo ra nhiều thách thức.
Thách thức lớn nhất có lẽ “là giữ nếp sống, giữ sao cho người Phố Hội vẫn là người Phố Hội cho dù thành phố có phát triển đến thế nào đi chăng nữa”, như có lần ông Nguyễn Sự, Bí thư thành ủy Hội An, đã tâm sự cùng người viết bài này.
Thứ đến là vấn đề đất chật người đông. Mật độ dân số ở Hội An đã cao gấp 6 lần mật độ dân số trung bình cả nước. Dân cư tập trung chủ yếu trong khu phố cổ vì đây là nơi thuận tiện để làm ăn, sinh sống. Nhiều người sống chen chúc trong những căn nhà cổ đang khiến các di tích này xuống cấp nhanh hơn.
Một số khu vực tại Hội An cũng bị ô nhiễm. Điển hình là khu vực Chùa Cầu nổi tiếng. Các chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật vẫn còn đang khảo sát, nghiên cứu giúp Hội An xây dựng hệ thống xử lý nước thải ở nơi này
Đậm chất Phố
Để phát triển các sản phẩm du lịch, Hội An đang tận dụng các thế mạnh sẵn có của mình. Quan trọng nhất tất nhiên là khu Phố Cổ. Tuy nhiên, hiện nay du lịch đã dần phát triển ra ngoại ô.
Làng rau Trà Quế, chẳng hạn, đã vào chương trình du lịch “Một ngày làm nông dân trồng rau ở làng Trà Quế”. Ông Lee Stamm, một du khách Úc, nói: “Tôi tiếp cận được thông tin về tour này qua một tờ rơi quảng cáo du lịch. Thật ngạc nhiên vì nó mới và hay quá!”.
Tại làng Cẩm Thanh thì du khách sẽ cày ruộng, xay gạo làm bánh, nấu cơm. Họ có thể cưỡi cả thuyền thúng săn tìm cá cùng ngư dân, sau đó tự chế biến và thưởng thức sản phẩm mình câu, bắt được. Thậm chí Hội An còn muốn tận dụng cả nước lụt: tổ chức cho du khách đi bằng thuyền ở những đường phố bị ngập nước, tìm hiểu thêm đời sống người dân lúc lụt lội. Ông Lê Văn Giảng cho biết: “Mùa mưa lũ, trong khi nhiều nơi lo phòng chống hay khắc phục hậu quả thì ở Phố Cổ Hội An lại tính chuyện làm du lịch. Chúng tôi đang quyết tâm theo đuổi”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét